Tin ZTA

Chúng ta không thể tụt hậu hơn nữa?

Trong buổi làm việc chiều 28.01.2015 với Giáo sư John Miller đến từ ĐH Mahsa, Malaysia, khi bàn đến những dự án y tế nhỏ ở Việt Nam, mình chia sẻ, vốn đầu tư cho một phòng mạch chuyên khoa khoảng 1 tỷ, Phòng khám đa khoa khoảng 10 tỷ, chưa kể phần đất, đa số thuê và cải thiện lại phòng ốc, thuê mặt bằng thường là tối thiểu 5 năm.
Với dân số 90 triệu, chi tiêu cho y tế khoảng 6.6% GDP (năm 2014), chi tiêu bình quân đầu người Việt Nam cho y tế tăng dần trong 15 năm qua từ 70 USD lên 234 USD, trong đó, người dân bỏ tiền túi thanh toán ước tính khoảng 70 – 100 USD. Tại Malaysia, chi tiêu bình quân đầu người cho y tế là 692 USD/năm, hơn 3 lần so với Việt Nam, mức chi tiêu cho y tế Việt Nam hiện tại chỉ bằng Malaysia 15 năm về trước.
ĐH Mahsa có các trường đào tạo về y khoa và quản lý bệnh viện, có bệnh viện và các trung tâm y khoa tại Malaysia, và hiện nay đã và đang đầu tư ra nước ngoài.

Có sự bất cập trong thời hạn thuê đất cho một dự án y tế, tối thiểu là 10 năm, trong khi tại Việt Nam hiện nay thuê mặt bằng cho phòng mạch trung bình là 5 năm và một số Phòng khám đa khoa cũng có thời hạn cho thuê mặt bằng chỉ 5 năm.
Có sự bất cập trong đầu tư cho trang thiết bị y tế (chi phí khá lớn) trong khi chi tiêu cho y tế chưa tương xứng.
Bài toán về doanh thu – chi phí và lợi nhuận, trong đó số lượng khách hàng tối ưu và sức chi trả của người dân so với mức đầu tư cho một dự án y tế hoàn chỉnh, đó là một trong những bài toán khó cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào y tế Việt Nam.
Trong khi Malaysia đã và đang đầu tư y tế ra nước ngoài bằng vốn và công nghệ quản lý thì Việt Nam vẫn còn loay hoay với bài toán quá tải tại bệnh viện công và y tế tư nhân vẫn chưa lớn mạnh. Tại Malaysia, các bệnh viện đã gắn kết quản lý chất lượng với các KPI, thì tại Việt Nam còn đang tìm hiểu chất lượng là gì, tiêu chuẩn ra sao, JCI là gì, ….
Những dự án nhỏ không phải chỉ nhỏ ở quy mô, dù môi trường vĩ mô còn nhiều bất cập, nhưng ở mức độ vi mô ( tại doanh nghiệp), nhiều dự án y tế tư nhân, tầm nhìn, hoạch định chiến lược, và quản lý điều hành vẫn còn nhiều yếu kém.
Các cam kết về y tế trong cộng đồng Asean sẽ được triển khai trong thời gian tới, chẳng hạn công nhận bằng cấp bác sĩ, điều dưỡng và điều kiện hành nghề của các nhân viên y tế trong khối Asean. Tại Việt Nam, năm 2015, cùng với môi trường vĩ mô đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực, chẳng hạn Nghị Quyết 93/NQ – CP của Chính Phủ (về hợp tác công – tư), Luật BHYT sửa đổi và Thông Tư 37 – TTLB (về BHYT), thì y tế tư nhân phải được cải thiện hơn nữa về mặt quản trị toàn diện doanh nghiệp, ngay từ lúc hoạch định dự án, các nhà quản trị phải có năng lực vượt trội mới đáp ứng được các yêu cầu mới.
Làm thế nào để một cơ sở y tế tư nhân tồn tại, cạnh tranh thành công và phát triển?
Chúng ta đã tụt hậu và không thể tụt hậu hơn nữa?
28.01.2015
BS Phùng Thị Hồng Thắm