Khởi nghiệp có cần học?
Một bài báo trên Business insider 26/10/2018 dẫn một nguồn từ Forbes, cho biết: “Năm 2017, họ phát hiện ra rằng 16% số tỷ phú trong danh sách của họ đã không có bằng cử nhân.” [1]
Vẫn thường thấy trong hồ sơ cá nhân của các doanh nhân thành công có liệt kê các bằng cấp và trường đại học. Và cũng có những người không có bằng cấp đại học nào, nhưng vẫn thành công với một sự nghiệp lớn và bền vững. Chẳng hạn, vua thép Andrew Carnegie; nhà phát minh Thomas Edison, người sáng lập GE; Chung Ju Yung người sáng lập tập đoàn Huyndai. Ẩn sâu trong mỗi câu chuyện, những nhà khởi nghiệp này có chung, đó là sự học hỏi không ngừng trên chính thực tế, vươn lên bằng một nghị lực phi thường bởi lòng trắc ẩn sâu sắc với con người và cuộc sống.
Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg cũng bỏ ngang đại học để khởi nghiệp và đã thành công, không chỉ đơn thuần là trở thành tỷ phú, bằng những thành tựu của công ty mà họ sáng lập và điều hành, thật sự đã góp công lớn làm thay đổi thế giới này. Từ đây, những biểu tượng không học đến nơi đến chốn nhưng có sự nghiệp rực rỡ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu triệu thanh niên trên thế giới. Thế nhưng, nếu những nhà khởi nghiệp này sinh sống tại một quốc gia đang phát triển vùng Nam Á hay Châu Phi thì họ có thành công như vậy hay không. Câu trả lời hầu như sẽ là không. Bởi vì, một trong những lợi thế vượt trội, tại Hoa Kỳ là có một hệ sinh thái khởi nghiệp xuất sắc nhất thế giới từ hơn 80 năm trước cho đến ngày nay và kể cả trong tương lai, đó là Silicon Valley, nơi đây có sự kế thừa các dòng giá trị, có nhiều phát minh và sáng chế mới mang tính ứng dụng cao, có các nhà cố vấn xuất chúng mọi lĩnh vực, có dòng tiền mạnh và đầu tư tài chính chuyên nghiệp, có những cộng đồng lớn và các điều kiện thuận lợi để thử nghiệm … tất cả sẵn sàng hỗ trợ. Với mô hình đó, các hệ sinh thái khởi nghiệp mang tầm quốc gia như quốc gia tại Israel, Singapore, Đài Loan cũng đang tạo động lực và hỗ trợ tích cực cho các nhà khởi nghiệp tại quốc gia đó và các nước trong khu vực.
Mặc dù nguồn cảm hứng vẫn còn tiếp tục về các tỷ phú không có bằng đại học, nhưng có một lời khuyên phổ biến vẫn là những người trẻ nên học và tốt nghiệp đại học, sau đó đi làm một thời gian để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm, giáo sư John Vu và giáo sư Trương Nguyện Thành đã từng khuyên những người trẻ theo cách như vậy. Điều đó sẽ tốt cho việc khởi nghiệp và vận hành công ty sau này, quan điểm này cho rằng trường hợp như Bill Gates, Steve Jobs là cá biệt và sẽ khó lặp lại, và không thể đúng cho mọi đối tượng và mọi hoàn cảnh. Trên thực tế, khởi nghiệp là chương trình học hoạc môn học đã được đưa vào giảng dạy tại nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp, các trung tâm vả trường học trên thế giới. Tại Việt Nam cũng đã có vài trường dạy chuyên ngành này như: Đại học Kinh tế Tài Chính, Đại học Mở. Eric Ries, tác giả quyển The Lean Startup, The Startup Way và nhiều quyển sách nổi tiếng, một nhà tư vấn xuất sắc tại Silicon Valley, năm 2011 đã viết trong quyển The Lean Startup rằng: “Startup success can be engineered by following the process, which means it can be learned, which means it can be taught”, nghĩa là “Khởi nghiệp thành công có thể được thiết kế bằng cách đi theo một quy trình, có nghĩa là nó có thể được học, có nghĩa là nó có thể được dạy”
Đối với những người sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, có thể sẽ là người kế nghiệp hoặc có thể ra riêng tự lập, những trường hợp này được truyền lại tài sản và/hoặc những kinh nghiệm quý báu và mối quan hệ sẵn có của gia đình. Mặc dù vậy, người được thừa hưởng cũng nên học cách kế thừa một doanh nghiệp gia đình, học và thực hành để quản lý sự thay đổi và chuyển tiếp, để biết cách làm cho sự nghiệp trở nên trường tồn.
Có một mẫu số chung, dù có bằng cấp hay không, con đường khởi nghiệp của bất kỳ ai cũng phải trả giá để có thành công, cái giá đó nằm trong thời gian, sức khỏe, tiền của và thương hiệu. Hơn tất cả, còn đọng lại đó là những bài học kinh nghiệm quý báu cùng các giá trị đã cống hiến cho đời, và để lại cho các thế thệ tương lai. Con đường khởi nghiệp là một quá trình lĩnh hội và thực thi liên tục, thử sai trên chính công việc và dự án của mình, từ đó tìm ra con đường đúng và sự vận hành đúng. Tại các hệ sinh thái khởi nghiệp, các chuyên gia đã nghiên cứu và tổng hợp viết thành sách và các giáo trình để hướng dẫn khởi nghiệp. Các nhà khởi nghiệp nên đọc sách, chủ động tích lũy kiến thức, chọn lọc những chương trình mình cần học để học và học nhanh, nghe những chia sẻ kinh nghiệm, để bản thân và đội, nhóm nếu có thất bại thì chỉ bị trả một cái giá ít hơn, và phục hồi lại nhanh hơn, đây là điều mà Eric Ries đã viết về vòng lặp thử sai trong quyển The Lean Startup. Với cách học tích cực và biết chọn lọc, người khởi nghiệp sẽ không phải trả giá một lần nữa cho những bài học cũ từ những người đi trước. Khởi nghiệp ban đầu, thực thể đó như một đứa trẻ học bước đi, dù những bước đầu tiên là những bước chập chững, sẽ bị té ngã, rồi lại đứng lên, đi tiếp, đến một lúc sẽ bước đi vững vàng. Những câu chuyện có thật từ những người tự thân lập nghiệp, mà thành công đến từ trí tuệ, công sức và những nỗ lực phi thường, cái giá phải trả cho những thất bại như thế nào, đó là điều người khởi nghiệp cần nghe và học hỏi. Các diễn giả về khởi nghiệp chia sẻ chính sự thật đã được chứng nghiệm trọn vẹn cho một tầm nhìn lâu dài về cả vật chất lẫn tinh thần, đó chính là những tinh hoa, họ chia sẻ về quá trình tác tạo ra một thực thể khó bị đánh bại, bất kể là từ bên trong hay là từ các tác động bên ngoài. Người khởi nghiệp không chỉ quanh quẩn, và đắc chí mãi trong các tuyệt chiêu vượt qua các thách thức tình huống, những người khởi nghiệp nên học ngoại ngữ để nghiên cứu và tiếp cận được những tinh hoa trong kho tàng vô tận từ lịch sử của các công ty trường tồn trên thế giới, đó chính là cái thiếu quan trọng thường thấy ở những người khởi nghiệp. Có những điều gian dối, hoặc cái ác, hoặc những sai lầm trong khởi nghiệp sẽ cho thấy một phần bức tranh cuộc sống là tồi tệ, và đó không phải là cách mà những người chân chính thực hiện để đạt đến mục tiêu. Những người khởi nghiệp cũng nên tập luyện để không bị sa đà vào sự cám dỗ, cũng không mất nhiều thời gian cho sự phê phán, mà cần sự thấu hiểu để tránh vết xe đổ, cần tập trung năng lượng cho những mục tiêu tốt đẹp, đó là cách mà Google từng tổ chức các khóa học về thiền và chánh niệm cho nhân viên.
Không có thất bại nào giống thất bại nào, và cũng không có cái sai nào giống cái sai nào, ai cũng có thể thất bại và sai lầm, những nhà khởi nghiệp cần có niềm tin vào việc chuẩn bị, càng chuẩn bị chu đáo thì càng tốt. Hãy tìm để học cách chuẩn bị, cách để bắt đầu và cách thức để vận hành, làm cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển. Sau cùng, không phải lúc nào cũng có người hướng dẫn tốt nhất cho thực tiễn của chính mình, bởi nhiều lý do khác nhau, và tương lai hầu như bất định, khi đó hãy dấn thân và học trên sự khám phá, lắng nghe trực giác của chính mình. Trước khi sáng lập ra Apple, Steve Jobs đã có một hành trình trải nghiệm tại Ấn Độ, luôn khám phá và học trên đó để hoàn thành khát vọng, có lẽ bằng cách như thế đã tạo nên một Steve Jobs đặc biệt và sâu sắc nhất, mới làm nên những chiếc iphone hoàn hảo, một hệ sinh thái Apple vững mạnh, lung linh huyền diệu.
Các bạn trẻ, các bạn có một ước mơ nào mãnh liệt để dấn thân không?
Các bạn đã từng đọc quyển sách nào về khởi nghiệp hay lập nghiệp chưa?
Các bạn đã từng nghiên cứu về công ty y tế xuất sắc và trường tồn chưa?
Các bạn đã bao lần tự tìm hiểu vấn đề bằng tài liệu Tiếng Anh ?
Nếu chưa thì hãy thực hiện từng bước ngay bây giờ, nhé!
Saigon, 14/12/2019 at ZTA
Phùng Thắm (Rose Phung)
[1] businessinsider.my/billionaire-college-dropout-zuckerberg-…/