ZTA chia sẻ

Mối quan hệ bệnh nhân và thầy thuốc - Kỳ 2

Một xã hội đang xuống cấp về đạo đức và sự yếu thế của nhân viên y tế
Trong một xã hội mà con người đối xử với nhau bằng tình người ngày càng ít, thay vào đó là lối sống bằng thủ đoạn và sự dối trá lẫn nhau. Hệ quả là phá vỡ tính nhân văn trong giao tiếp, con người ngày càng thất bại trong đối thoại thì sự bạo hành, bạo ngôn tất yếu xảy ra, và thường xuyên xảy ra, hiện tượng này lâu ngày trở thành thói quen cư xử trong xã hội, và con người như thế sẵn sàng làm tổn hại cho bất kỳ ai nếu ai đó chưa biết cách bảo vệ hoặc không có khả năng tự vệ. Rủi ro sẽ xảy ra cho bất kỳ ai và bất kỳ ngành nghề nào, ngành y và nhân viên y tế cũng không là ngoại lệ. Trên một bình diện chung, nhân viên y tế là người cứu chữa cho bệnh nhân nhưng cũng có lúc gây ra những thiệt hại cho bệnh nhân, đặc biệt tình trạng thiếu y đức trong ngành y là vấn đề bức xúc lớn trong cộng đồng, tuy nhiên trong những hoàn cảnh khác, nhân viên y tế lại là nạn nhân của truyền thông và các cuộc quấy rối hoặc tấn công từ những nhóm người quá khích. Với nhiệm vụ cứu người, y đức như là đạo cần phải giữ và mọi hoạt động hành nghề đều thực hành trong khuôn khổ đó, toàn thể nhân viên y tế được đặt vào thế phải cao thượng trong tâm trí của cộng đồng, chính vì vậy, khi có sự cố xảy ra, cộng đồng luôn phán xét khắt khe, truyền thông nhân cơ hội đó phỉ báng, nhân viên y tế dễ dàng bị rơi tự do xuống thành kẻ tội đồ. Trong môi trường như vậy, nhân viên y tế luôn yếu thế hơn trong mọi lý lẽ và hành động bất kể họ vô tội hay có tội khi có sự cố xảy ra.
Quản trị yếu kém ở mọi cấp và sự thiệt thòi trả về cho bệnh nhân và cộng đồng
Quản trị ở tầm quốc gia yếu kém, thiếu luật và các quy định dưới luật để rạch ròi quyền được bảo vệ chính đáng của nhân viên y tế, cấp quản lý ngành cũng loay hoay và không có những ứng phó và hỗ trợ kịp thời, các cơ sở y tế luôn bị động trong các tình huống phát sinh.
Sự quản lý chưa tương xứng với sự thay đổi phức tạp của xã hội, và không theo kịp thực tế, các cơ sở y tế luôn gặp khó khăn trong việc ứng phó với các trường hợp gây rối tại bệnh viện hoặc các làn sóng bức xúc từ cộng đồng. Nhân viên y tế bất an khi hành nghề là một hiện tượng phổ biến hiện nay trong toàn ngành, điều này làm ức chế lòng nhiệt tình trong khám chữa bệnh và mất đi khả năng sáng tạo trong nghề nghiệp, khi đó nhân viên y tế có một tâm lý làm việc với trách nhiệm ở mức cần có để tự bảo vệ được mình, mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc không còn là mối quan hệ tin tưởng mà đã trở nên nghi kỵ lẫn nhau, do vậy, như một vòng lẩn quẩn, bệnh nhân và cộng đồng sẽ không được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất mà đáng ra phải được như vậy.
Các bệnh viện thường có hộp thư góp ý, đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của bệnh nhân, tuy nhiên vẫn còn thiếu bộ phận xử lý than phiền, khiếu nại của bệnh nhân, thiếu các quy trình giao tiếp, đặc biệt, thiếu quy trình trong việc ứng phó hữu hiệu với các trường hợp khẩn cấp. Do vậy, khi có sự cố xảy ra, bệnh viện không kiểm soát được và trong một số tình huống trầm trọng đã đưa đến khủng hoảng,người dân tự do tung tin, báo chí vào cuộc tích cực lẫn tiêu cực, cùng với các phát biểu thiếu thận trọng của các giới chức ngành, lãnh đạo bệnh viện đã gây ra những cuộc khủng hoảng truyền thông, càng gây mất niềm tin trong cộng đồng.
Hàng ngày đối diện với sự bất an
Sự quá tải tại các bệnh viện đã cuốn hút mọi nguồn lực và tâm trí vào đó, các vấn đề phát sinh khác thường chưa được quan tâm đến nơi đến chốn. Sự quá tải đã gây ra hệ lụy trên nhiều phương diện, bao gồm chất lượng chuyên môn và tinh thần phục vụ. Bên cạnh đó, không ít y bác sĩ vẫn chưa sẵn sàng thay đổi để giao tiếp cho phù hợp,do vậy vẫn thường xảy ra các xung đột.
Sự thiếu hụt nhân lực chuyên sâu và ê kíp để phối hợp, cùng với công tác quản lý chuyên môn còn non yếu là những điểm yếu thường gặp tại các cơ sở y tế tư nhân, những vấn đề này làm tăng rủi ro trong thực hành y khoa, vì thế nhân viên y tế, cán bộ quản lý vẫn còn những lo lắng mỗi ngày trong hành nghề.
Nhân viên y tế phải làm gì để tự vệ trước khi được bảo vệ
Công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số và truyền thông phát triển đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, vấn đề tâm lý, thái độ, hành vi của bệnh nhân thế kỷ XXI khác với thế kỷ XX, sự cộng hưởng giữa khả năng lan truyền thông tin và quyền người bệnh được mở rộng, chân dung của bệnh nhân ngày nay đã thay đổi: bệnh nhân tự tin hơn trong việc tự bảo vệ sức khỏe, mạnh dạn trong giao tiếp với y bác sĩ, yêu cầu y bác sĩ thực hiện các yêu cầu theo luật, không hoàn toàn lệ thuộc vào người thầy thuốc, họ có quyền lựa chọn một nơi khám bệnh khác. Đồng thời, môi trường xã hội rất phức tạp, hổn loạn, con người sẵn sàng ăn thua với nhau chỉ vì một va chạm nhỏ, nhân viên y tế cũng rất dễ bị tổn thương và thiệt thòi hơn khi hành nghề. Trong khi chờ từ bên trên và bệnh viện có các biện pháp thì nhân viên y tế đồng thời phải nghĩ ra những cách để phòng ngừa và tự cứu mình trước. 
Cái gốc của tự vệ chính là phòng ngừa những rủi ro cho bản thân trong lúc hành nghề. Khi xảy ra sự cố thì tùy tình huống mà ứng phó trong sự bình tỉnh và sáng suốt. Sau đây là một số chia sẻ cùng các anh chị em đồng nghiệp:
1.     Nên biết rõ chân dung bệnh nhân trong thời đại công nghệ, kỹ thuật số và truyền thông
2.     Nên điều chỉnh suy nghĩ và hành vi cho phù hợp
3.     Luôn luôn trao dồi kỹ năng giao tiếp để thành công trong mọi tình huống
4.     Luôn rèn luyện để nâng cao kiến thức y khoa và kỹ năng chuyên môn
5.     Nên tuân thủ các phác đồ và quy trình chuyên môn, quyền hội chẩn
6.     Nên giữ hòa khí với đồng nghiệp, hạn chế tối thiểu các xung đột nghề nghiệp
7.     Nên hạn chế các xung đột trong đời sống gia đình và trong các mối quan hệ xã hội, giữ sự hài hòa trong cuộc sống để luôn có một tâm trí sáng suốt.
8.     Nên dùng phương tiện ghi hình, ghi âm trong những tình huống thực sự cần thiết để bảo vệ mình, tuy nhiên việc cứu chữa cho bệnh nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu.
9.      Quan sát, ghi nhận những phát sinh, suy nghĩ tích cực cách ứng phó, hiến kế với ban lãnh đạo bệnh viện để hoàn thiện dần cách ứng phó hữu hiệu nhất với các tình huống gây rối trong bệnh viện, đồng thời cải thiện mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc.
 
"Y đức và y thuật là hai cái trụ chính để tạo thành nền tảng của y học, bản chất của ngành y là nhân văn, hoạt động của ngành y là sự phục vụ. Một niềm tin vững chắc: nếu mỗi người hiểu sâu sắc và thực hành tốt những điều này thì những việc làm của mình sẽ mang đến cho bản thân những điều điều tốt lành, và sẽ là cứu cánh khi có những mảng tối trong cuộc đời do việc khác mang tới. Với thành ý và tâm sáng đó sẽ giúp cho mỗi người quản lý thật tốt công việc của mình, và đồng thời định vị mình trên một miền an vui trong cuộc sống đầy thị phi và trong vũ trụ nhân sinh đầy biến động." (Trích từ bài viết số 2 trong loạt bài "Mở một phòng mạch tư" - Bs Ths Phùng Thị Hồng Thắm)
Chúc tất cả đồng nghiệp luôn giữ được sự cân bằng và có được niềm an vui trong nghề nghiệp và cuộc sống.
27.09.2013
Bs Phùng Thị Hồng Thắm
 
P/S: Theo báo Người Lao Động, một số bệnh viện và chính quyền địa phương đã có những ký kết thỏa ước bảo vệ an ninh cho bệnh viện:
“Ký kết thỏa ước về an ninh
Sáng 24-9, Công an quận 10, TP HCM đã mời lãnh đạo các BV trên địa bàn như Cấp cứu Trưng Vương, Nhi Đồng 1... đến ký kết thỏa ước liên quan đến cơ chế phối hợp giữa công an - BV.
BS Lê Thanh Chiến mong rằng việc ký kết này sẽ là cơ sở pháp lý cũng như thắt chặt hơn mối liên hệ về an ninh giữa công an với BV. “Các nội dung này sẽ được ban giám đốc truyền đạt lại với cán bộ, nhân viên và hình thành một quy chế rõ ràng hơn về cách phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý tình huống nguy cấp” - ông Chiến khẳng định” (Báo Người Lao Động online)